Những năm trở lại đây nghề nuôi chim yến phát triển ở hai huyện Gò Công Tây và Gò Công Đông, thuộc tỉnh Tiền Giang. Nghề nuôi yến sào đã góp phần đem lại cho một số người dân ở đây nguồn thu nhập cao, nhiều người đã trở thành tỉ phú. Với nguồn thu nhập cao, có thể ví nghề nuôi, khai thác tổ yến như khai thác “vàng” từ không trung vậy. Yến sào trước kia chỉ có trong môi trường thiên nhiên chứ chưa được nuôi trong nhà.

Chim yến thường sinh sống ở những vùng biển, quần đảo có nhiều thức ăn là các loài sâu bọ. Chim yến thường làm tổ trên những mỏm đá hoặc những căn nhà bỏ hoang ở gần biển hoặc bờ biển. Ở Việt Nam, chim yến sinh sống ở các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Nghệ An… Tổ yến là thứ hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, thời xưa chỉ vua chúa, hay nhà giàu mới có điều kiện sử dụng yến sào.

Thiên nhiên trù phú của Gò Công là nơi thích hợp cho yến sinh sống

Chim yến có thói quen thích làm tổ trong những căn nhà hoang. Từ những phát hiện tình cờ mà người dân nghĩ ra cách nuôi yến trong nhà. Ngoài Gò Công, ở những vùng khác như Khánh Hòa, Bình Định… đã có phong trào nuôi yến. Hiện nay, ở tỉnh Tiền Giang, yến được nuôi nhiều nhất ở ấp Khương Ninh, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây. Đây cũng là nơi phát sinh nghề nuôi chim yến sào trong nhà ở Tiền Giang.

bien tan thanh go cong
Biển Tân Thành Gò Công

Bí quyết nuôi yến sào Gò Công chưa được tiết lộ

Dù mang lại thu nhập cao, nhưng việc nuôi yến cũng không dễ dàng, không dễ thành công. Bí quyết thành công trong việc nuôi yến là phải biết chọn hướng bay của chim yến, thiết kế nhà nuôi cho phù hợp… để dụ yến về. một căn nhà nuôi yến đúng chuẩn thường phải xây bốn tầng, có chừa những lỗ nhỏ cho yến chui vào. Trần lót la phông bằng gỗ. Trong nhà có gắn máy phát âm tiếng kêu của chim yến để dụ yến về làm tổ.

Theo một số hộ nuôi yến, chi phí xây dựng một nhà nuôi yến bốn tầng mất khoảng gần hai tỷ đồng. Song điều quan trọng nhất là làm sao dụ yến về ở trong nhà thì không đơn giản. Nhiều người bỏ tiền tỷ xây nhà, chờ hoài yến không vào ở. Hoặc có khi yến vào ở nhưng ít quá, không đủ thu hồi vốn.

Khi yến vào ở, để giữ chân chúng lại làm tổ cũng là một bí quyết. Theo một số kinh nghiệm của hộ nuôi yến, trong nhà nuôi yến nên lót la phông bằng thứ gỗ có mùi thơm. Nếu lót bằng gỗ khác, như gổ Inđônexia thì yến hay bỏ đi. Hiện nay, do nhiều nhà đầu tư nuôi yến, chuyển qua làm gỗ lát la phông trong nhà nuôi yến, nhưng không tiết lộ là loại gỗ gì.